Updated at: 25-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình giảng đoạn 2 bài Nói với con của Y Phương” chuẩn nhất 04/2024.

Dàn Ý 1: 

 1. Mở bài

– Giới thiệu bài thơ Nói với con: Là bài thơ viết về tình phụ tử, thấm đượm tình yêu thương, triết lý sống của cha dành cho con, đặc biệt là đoạn 2 “Người đồng mình thương lắm con ơi… Nghe con”.
2. Thân bài

– Giới thiệu về ý nghĩa của bài thơ
– Giới thiệu về đoạn thơ thứ hai: Lời dặn dò đứa con trước những sóng gió của cuộc đời phía trước.
– Phân tích khổ hai:

+ Tiếng gọi “người đồng mình”: Tiếng gọi đồng bào, những người cùng quê hương, cùng chung sống trên cùng mảnh đất.
+ Khổ trên “Người đồng mình yêu lắm con ơi” => Khổ hai ” Người đồng mình thương lắm con ơi” => từ “yêu” tới “thương”: thương bản làng với những vất vả + niềm tự hào với những con người ấy.
+ “Cao .. lớn”: Tả thực người dân miền núi sống trên núi, trong thung lũng nhưng họ vẫn nuôi “chí lớn”, với ước mơ, khát vọng lớn.
+ Người cha nhắc nhở đứa con về những đức tính cao đẹp phải học hỏi từ “người đồng mình”: “Dẫu làm sao … cực nhọc”

=> Đó là những đức tính cao đẹp, đáng tự hào của đồng bào quê hương và người cha muốn con học tập, rèn luyện theo những đức tính đó.

+ Một loạt các liệt kê về sự khó khăn “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”, … : Nỗi vất vả, khó nhọc của người dân miền núi với cuộc sống giữa đại ngàn.
+ Điệp từ “không chê”: Nhấn mạnh sự nhắc nhở của người cha cho đứa con phải biết thích nghi với cuộc sống dù khó khăn để vươn lên mạnh mẽ.
+ So sánh “Sống như …ghềnh”: Nhắc đứa con về cách sống mạnh mẽ trong cuộc đời và niềm tự hào về tâm hồn và ý chí của người đồng mình sống giữa núi rừng.
=>Lời khuyên bảo nhẹ nhàng, chân thành nhưng chứa chan niềm tự hào về phẩm chất, ý chí của “người đồng mình”. Khẳng định “người đồng mình” dù khó khăn vẫn luôn hết mực thủy chung với quê hương.

+ Lời ca ngợi về phẩm chất của “người đồng mình”: “Người đồng mình tuy …đâu con”: Sự tương phản đối lập giữa hình thức và nội tâm bên trong – khát vọng, ước mơ được vươn xa.
+ Niềm tự hào về quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương: “Người đồng mình … phong tục”: “Đục đá”- công việc nặng nhọc đòi hỏi kiên nhẫn

=> “người đồng mình” hết đời này qua đời khác nối nhau “kê cao quê hương”, đó chính là ý thức bảo vệ quê hương trước thiên tai, bảo vệ quê hương trước kẻ thù xâm lược.

+ Lời dặn dò con trước lúc lên đường “Con ơi … Nghe con”: Hành trang cha tặng con là niềm tự hào dân tộc, là những đức tính, phẩm chất của quê hương và niềm tin con sẽ vững vàng, tiếp nối truyền thống cha ông.
– Lời thơ giản dị, mộc mạc, chân thành, cách nói của người miền núi không hoa mỹ mà rất mộc mạc.
– Nhịp thơ lúc nhanh lúc chậm, giọng thơ chan chứa yêu thương.

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề.

Dàn ý 2: 

I. Mở bài

– Giới thiệu một vài nét về Y Phương và bài thơ Nói với con.

– Giới thiệu vị trí và nội dung đoạn trích.

II. Thân bài

Truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm hi vọng vào con

a. Truyền thống quê hương

– “Người đồng mình”- những người sống chung trên một miền quê, cùng một dân tộc, “thương lắm”- sự gắn bó yêu thương, đùm bọc

– Người đồng mình có chí khí mạnh mẽ

+ Nỗi buồn được cụ thể hóa bằng chiều cao, chí được đo bằng độ xa => người đọc có thể cảm nhận nỗi buồn chồng chất trong cuộc sống của họ

⇒ Cuộc sống vẫn nhiều buồn lo cực nhọc nhưng tâm càng sáng chí càng bền, tầm nhìn càng xa càng rộng

– Người đồng mình thủy chung tình nghĩa

+ “Sống”- khẳng định tâm thế bản lĩnh kiên cường, bất chấp khó khăn gian khổ

⇒ Mặc dù cuộc sống quê hương khó khăn vất vả nhưng họ “không chê”, học vẫn thủy chung với quê hương, gắn bó với quê hương để tạo dựng cuộc sống.

– Lối sống phóng khoáng đầy nghị lực

+ So sánh “như sống như suối” : sức sống mãnh liệt, đầy ắp nghĩa tình

+ Dù “lên thác xuống ghềnh” nhưng người đồng mình vẫn không lo cực nhọc, vẫn đầy sự yêu mến tự hào về quê hương

=> Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với biện pháp ẩn dụ, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy vất vả nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, gắn bó với quê hương.

– Người đồng mình giàu lòng tự trọng

+ “Người đồng mình thô sơ da thịt”- họ có thể thô ráp, nói không hay, làm không khéo, làn da mái tóc dãi dầu mưa nắng nhưng phẩm chất bên trong không hề nhỏ bé, tầm thường

– Người đồng mình khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp

+ Người đồng mình tự lực tự cường, tự xây dựng quê hương bằng bàn tay khối óc

+ Họ xây dựng quê hương, đưa quê hương có thể sánh ngang với các cường quốc năm châu

⇒ Người cha gợi cho con niềm tự hào và khát vọng xây dựng quê hương, kế tục truyền thống đáng tự hào của dân tộc

b. Điều cha mong muốn ở con

– Cha nhắc con “lên đường” là khi con trưởng thành, dù ở bất cứ đâu, đi bất cứ nới nào cũng không bao giờ được sống một cách tầm thường phải luôn giữ lấy cốt cách giản dị, ý chí của dân tộc để vững bước

⇒ Qua đó cha thể hiện tình yêu con

⇒ Đó còn là lời của cha anh đi trước nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải vững tin vào cuộc đời để xây dựng quê hương giàu đẹp

III. Kết bài

– Khẳng định những giá trị nội dung, nghệ thuật làm nên thành công của đoạn thơ:

+ Thể thơ tự do, nhịp điệu vui tươi, các hình ảnh thơ đẹp, sử dụng các biện pháp tu từ quen thuộc,…

+ Cha đưa con về với cội nguồn sinh dưỡng nhắc nhở con phát huy phẩm chất cao đẹp của quê hương để vững bước trên cuộc đời.

– Đoạn thơ với nội dung sâu lắng đã góp phần làm nên thành công của toàn bài.

Bình giảng đoạn 2 bài Nói với con của Y Phương- mẫu 1

      Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Quê anh ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng. Từ người lính thời chống Mĩ, anh trở thành nhà thơ. Thơ của Y Phương mang một vẻ đẹp riêng, “thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi”. Nói với con của Y Phương là một bài thơ hay, một bông hoa nghệ thuật đầy sắc hương của núi rừng biên giới phía Bắc.

      Đây là phần thứ hai của bài thơ:

                       Người đồng mình thương lắm con ơi

                       Cao đo nỗi buồn

                       Xa nuôi chí lớn

                       Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

                       Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

                       Sống trong thung không chê thung nghèo đói

                       Sống như sông như suối

                       Lên thác xuống ghềnh

                       Không lo cực nhọc

                       Người đồng mình thô sơ da thịt

                       Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

                       Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

                       Còn quê hương thì làm phong tục

                       Con ơi tuy thô sơ da thịt

                       Lên đường

                       Không bao giờ nhỏ bé được

                       Nghe con.

      Ở phần đầu, Y Phương đã viết: “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, thì ở phần hai, mở đầu đoạn thơ ông lại nhấn giọng. Lời cha nói với con nghe thật ngọt ngào thiết tha: “Người đồng mình thương lắm con ơi”. “Người đồng mình” là đồng bào quê hương mình, là bà con dân tộc Tày, dân tộc Nùng,… nơi “nước non Cao Bằng”, nơi “gạo trắng nước trong”. Phải yêu, phải thương “người đồng mình” rất đẹp, rất đáng tự hào. Không bao giờ lùi bước trước mọi thử thách khó khăn. Tâm càng sáng, chí càng cao càng bền, tầm nhìn càng xa càng rộng:

                       Cao đo nỗi buồn

                       Xa nuôi chí lớn

      Cha nói với con, dạy bảo con về đạo lí làm người. Trong bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào “cha vẫn muốn”, cha vẫn mong con biết ngẩng cao đầu và sống đẹp. Quê hương sau những năm dài chiến tranh còn nhiều khó khăn chưa đẹp, chưa giàu. Đường đến các bản còn ”gập ghềnh”, còn nhà sàn vách nứa, thung còn “nghèo đói” thiếu thốn khó khăn. Con nhớ là “không chê… không chê…”:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

           Sống trong thung không chê thung nghèo đói.

      Con phải biết sống mạnh mẽ, kiên cường “như sông như suối”. Con phải giàu chí khí và có bản lĩnh, dù phải “lên thác xuống ghềnh” vẫn “không lo cực nhọc”.

      Các điệp ngữ: “không chê… không chê”, “sống trên… sống trong… sống như…” đã làm cho vần thơ phong phú âm điệu nhạc điệu, lời cha dặn con vô cùng thiết tha. Cách ví von, cách vận dụng thành ngữ làm cho lời cha dặn vừa cụ thể mộc mạc, vừa hàm nghĩa, sâu lắng, ân tình:

                          Sống như sông như suối

                       Lên thác xuống ghềnh

                  Không lo cực nhọc.

      Các từ ngữ, hình ảnh: “thô sơ da thịt” “nhỏ bé”, “tự đục đá kê cao quê hương” đã thể hiện bản chất, bản lĩnh sống của đồng bào mình, bà con quê hương mình. Ba tiếng “người đồng mình” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã biểu lộ niềm yêu mến tự hào quê hương không thể kể xiết. “Người đồng mình” sống giản dị mộc mạc “thô sơ da thịt”, chịu khó chịu khổ, kiên nhẫn trong lao động làm ăn. Chẳng bao giờ “nhỏ bé”, chẳng bao giờ sống tầm thường trong cuộc đời và trước thiên hạ. Cha nói với con là nói về đạo lí làm người, cha nhắc con phải biết sống đẹp, sống mạnh mẽ, sống có nhân cách. Con phải biết nêu cao lòng tự hào, biết giữ lấy và phát huy truyền thống cao đẹp của “người đồng mình”, của quê hương mình:

                        Người đồng mình thô sơ da thịt

                     Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

                                           Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

                          Còn quê hương thì làm phong tục.

Con chuẩn bị lên đường, như cánh chim bay tới chân trời xa (đi học, đi bộ đội, đi làm ăn?). Cha dặn con, cha khích lệ con, “tuy thô sơ da thịt”, nhưng không thể, không được sống tầm thường, sống “nhỏ bé” trước thiên hạ. Bài học làm người mà cha dạy con tuy ngắn gọn mà thấm thía và lay động biết bao:

                       Con ơi tuy thô sơ da thịt

   Lên đường

                           Không bao giờ nhỏ bé được

  Nghe con.

      Y Phương đã có một cách nói cụ thể, nói bằng hình ảnh mang phong cách dân tộc mình, “người đồng mình”. Lời thơ bình dị, tình cảm chân thành, giọng thơ tha thiết. Cha nói với con, cha dạy con bài học làm người, biết giữ gìn phẩm giá và đạo lí: yêu mến tự hào quê hương, sống có chí khí, sống đẹp như “người đồng mình” đã bao đời nay.

      Nói với con là một bài thơ hay thể hiện tình thương con, niềm tin của người cha đối với đứa con yêu quý. Kết thúc bài thơ là tiếng cha khích lệ con lên đường. Đọc thơ của Y Phương, chúng ta bồi hồi nhớ lại lời ru của mẹ hiền thời thơ ấu:

              Con ơi muốn nên thần người,

                       Ưng tai nghe lấy những lời mẹ cha…

Bình giảng đoạn 2 bài Nói với con của Y Phương- mẫu 2

Tình mẫu tử là một đề tài luôn được nhắc đến nhiều nhất trong thơ ca. Thế nhưng, không chỉ tình mẫu tử, tình phụ tử cũng là thứ tình cảm thiêng liêng bậc nhất của cuộc đời mỗi con người. Hiếm có tác phẩm nào trong thơ ca về tình phụ tử lại ý nghĩa và thật nhiều cảm xúc như tác phẩm “Nói với con” của Y Phương. Bài thơ là tiếng lòng chân thành của người cha cất lời khuyên dạy người con của mình, chứa đựng trong đó là những chiêm nghiệm về cuộc đời, những triết lý sống mà người cha dành cho đứa con của mình.

Bài thơ “Nói với con” bao gồm hai khổ thơ, khổ thứ nhất nói về tình yêu thương của mẹ cha, gia đình dành cho con khi còn nhỏ còn khổ thơ thứ hai là lời khuyên dạy về những đức tính cần có trong cuộc sống đồng thời là lời dặn dò đứa con về bản lĩnh trước những sóng gió của cuộc đời. Có thể nói, khổ thơ thứ hai chính là khổ thơ bao trùm ý nghĩa của cả bài thơ, mang đến cho chúng ta những cảm xúc chân thành nhất của những con người vùng núi Tây Bắc Việt Nam:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn

Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”

Khổ thơ đầu, Y Phương đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên có rừng, có hoa, có những vách nhà cùng tiếng hát, ở đó có cộng đồng những người dân tộc sống hòa bình cùng nhau. Ông gọi họ là “người đồng mình” – tiếng gọi ấy nghe thật thân thương, thân thuộc. Quê hương, đồng bào là những phần tất yếu, tốt đẹp nhất nuôi dưỡng con người trưởng thành, khôn lớn. Có lẽ vì vậy nên ở khổ thơ thứ hai này, Y Phương mở đầu bằng lời cất gọi con với ba chữ “người đồng mình”:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”

Đó là một lời nhấn giọng gọi con vừa ngọt ngào lại đầy thiết tha. “Người đồng mình” tức là người đồng bào của mình, những người được sinh ra cùng từ bọc trăm trứng của mẹ u Cơ, là những người Kinh, người Tày, người Nùng, … Tuy tên gọi khác nhau, nhưng chúng ta có chung cùng nguồn gốc, nơi nước non Cao Bằng, Bắc Cạn, nơi “gạo trắng nước trong”. Tác giả đã sử dụng cách gọi thật thân thương để gọi những người đồng bào của mình. Nếu như ở khổ trên, người cha đã gọi “người đồng mình yêu lắm con ơi”, đó là tình yêu tha thiết với bản làng, với những con người chân thành, giản dị thì ở đây, ông lại gọi rằng “người đồng mình thương lắm con ơi” để thể hiện một niềm khát vọng tha thiết. Từ “yêu” đến “thương”, đó là khoảng cách mà tình cảm được nhân lên gấp nhiều lần, thương con người, thương những nỗi khó nhằn, gian khổ mà bản làng quê hương đã gánh chịu. Qua đó, người cha biểu hiện nỗi lòng của mình, vừa yêu thương vừa tự hào về những “người đồng mình”. Bởi họ không chỉ là những con người giản dị, tài hoa, biết “đan lờ cài nan hoa” mà còn là niềm tự hào bởi họ biết lo toan, biết ước mơ cao rộng:

“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”

Có thể nhận thấy, nghệ thuật ẩn dụ và tả thực được Y Phương vận dụng một cách tinh tế, khéo léo trong hai câu thơ này. Xét về hướng tả thực, ta biết những người dân tộc Tày miền núi luôn sống ở vách núi, những thung lũng cao sâu. Núi rừng là nguồn sống tuy có vất vả, có khó khăn, thế nhưng họ luôn kiên cường bám đất, bám bản, quyết không rời xa mảnh đất quê hương của tổ tiên. “Người đồng mình” không bao giờ khuất phục trước khó khăn, thử thách, càng khó khăn thì chí lại càng bền, tâm lại càng tỏ hơn nữa. Đó cũng là những đức tính cha muốn con học được từ những người dân quê hương mình.

Tư duy của những người miền núi thật giản dị, với họ chẳng gì cao bằng núi, chẳng gì xa rộng bằng “thung”. Họ đã lấy chính những hình ảnh thân thuộc nhất ấy để gợi lên chí khí và ước mơ của mình. Với Y Phương, cách sắp xếp từ theo hướng tăng dần, từ “cao” rồi đến “xa”, biểu thị rằng càng khó khăn, càng là thử thách lớn thì càng phải vượt qua. Cuộc sống của “người đồng mình” còn nhiều điều vất vả, nhiều “nỗi buồn”, còn nhiều thiếu thốn trăm bề, thế nhưng họ vẫn nuôi trong mình “chí lớn”, luôn mơ ước tới mai sau, đó là tương lai rạng rỡ, tốt đẹp của dân tộc.

Từ niềm ước mơ khôn xiết ấy, người cha lại thủ thỉ, nhắc nhở đứa con của mình, hãy sống, rèn luyện và khắc ghi những đức tính cao đẹp của con người quê hương ta:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Người dân tộc miền núi luôn chọn những đỉnh núi cao, những thung lũng sâu trong núi rừng để lập nên bản làng của mình. Vậy nên, cuộc sống của họ thường ngày đều là hoặc trên những đỉnh núi đá gập ghềnh, trắc trở, hoặc ở dưới thung sâu, hoặc ở trên những con suối, con sông. Thế nhưng, ở đâu, họ cũng đều thích nghi, đều có thể tồn tại, vươn lên bằng ý chí và nghị lực của mình. Ở đây, người cha muốn đứa con của mình học tập những đức tính đó của cha ông, sống ở nơi đâu cũng không được lùi bước trước khó khăn, phải tập thích nghi trước hoàn cảnh. Y Phương cũng sử dụng ở đây một loạt những phép liệt kê nào “đá gập ghềnh”, nào “thung nghèo đói”, nào “lên thác xuống ghềnh”, … để chỉ ra những khó khăn, vất vả, gian nan trong cuộc sống của những người dân tộc giữa đại ngàn hoang sơ. Thế nhưng, ông cũng nói rằng “không chê” tức là tự hài lòng, tự chấp nhận những khó khăn, vất vả ấy để rồi từ đó vươn lên một cách thật mạnh mẽ. Điệp từ “không chê” được lặp lại như để nhấn mạnh sự nhắc nhở mà người cha dành cho con mình. Ông muốn đứa con yêu của mình phải biết chấp nhận thực cảnh để rồi thích nghi, vươn lên chứ không lùi bước trước thử thách cuộc đời.

Tiếp theo là phép so sánh “sống như sông như suối”, một là người cha muốn nhắc nhở đứa con của mình phải luôn sống mạnh mẽ trước cuộc đời, hai nữa là để gợi tả lên vẻ đẹp tâm hồn, ý chí của những người con núi rừng Tây Bắc. Sống giữa cái khó khăn của đại ngàn, của những vất vả thế nhưng họ vẫn luôn mang trong mình một tâm hồn tràn trề sinh lực, sức sống, với ý chí sắt đá, cuồn cuộn như dòng suối, dòng sông.

Cách nói của nhà thơ, cách so sánh, gợi tả thật quá đỗi giản dị. Nó như là một câu chuyện nhẹ nhàng, lời khuyên bảo chân thành dành cho đứa con yêu quý của mình. Thế nhưng chứa đựng trong đó xiết bao niềm tự hào về phẩm chất, ý chí của “người đồng mình”. Ông luôn luôn khẳng định rằng, dù “người đồng mình” có phải chịu cuộc sống vất vả, khó khăn, gian nan thì vẫn luôn mực gắn bó, thủy chung với quê hương, xứ sở của mình, vượt qua tất cả khó khăn đó mà vươn lên trong cuộc sống. Và qua đó, ông cũng nhắc nhở đứa con của mình phải luôn biết tự hào về truyền thống của quê hương và phải luôn giữ cho mình những đức tính đáng trân trọng ấy.

Không chỉ nhắc nhở đứa con của mình về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, người cha còn ca ngợi phẩm chất của họ rằng:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

Y Phương đã tạo nên hình ảnh tương phản đối xứng qua hai câu thơ để ca ngợi cái phẩm chất ẩn chứa bên trong cái hình thức bên ngoài. “Người đồng mình” chẳng đẹp đẽ về hình thức “thô sơ da thịt” thế nhưng ở trong họ luôn ẩn chứa một sức mạnh tinh thần to lớn, khát vọng mãnh liệt được vươn cao vươn xa. Chính cái sức mạnh ấy làm nên con người họ, khiến họ trở lên thật cao lớn, chẳng thể nào nhỏ bé được.

Lời thơ của Y Phương là lời của người cha đang thủ thỉ cùng đứa con của mình, vậy nên chúng ta cảm nhận được ở trong đó sự chân thành, giản dị, ân cần nhưng cũng đầy nghiêm khắc. Ông muốn nhắc đứa con phải biết sống cho đúng, cho đủ, phải học tập, rèn luyện những phẩm chất, đức tính của cha ông để vượt lên những sóng gió của cuộc đời.

Những “người đồng mình” tuy “thô sơ da thịt” nhưng chứa chan trong họ là khát vọng xây dựng lên quê hương của mình thêm vững vàng:

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Chỉ đôi câu thơ nhưng đã khái quát lên cả cái tinh thần tự hào tự tôn của dân tộc, cái ý thức bảo vệ quê hương, non sông, cội nguồn, bảo vệ những phong tục, những truyền thống của cha ông để lại. “Người đồng mình tự đục đá” – “đục đá” là một công việc vất vả, gian lao, nặng nhọc, đòi hỏi trong đó sự bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại, siêng năng. Vậy mà “người đồng mình” suốt bao năm tháng “tự đục đá kê cao quê hương”, đây là hình ảnh thơ hết sức chân thực, hết sức sinh động. Những người dân miền núi bằng ý chí, bằng khát vọng của mình “tự đục đá kê cao quê hương” để bảo vệ quê hương, bản làng trước thiên tai, lũ lụt và cũng là để bảo vệ quê hương trước kẻ thù xâm lăng. Hình ảnh thơ ấy thật đẹp đẽ biết bao, chính những người dân miền núi”thô sơ da thịt” ấy đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa, phong tục rất riêng của mình.

Hình ảnh “tự đục đá” ấy cũng gợi cho chúng ta thật nhiều về những truyền thuyết của cha ông, khi Sơn Tinh bốc từng ngọn núi ném xuống biển, là hình ảnh của những người anh hùng như anh hùng Núp, như Kim Đồng, … với một lòng quyết tâm đánh giặc tạo nên bản hùng ca cho cả dân tộc ta. Chỉ bằng chi tiết này thôi cũng cho chúng ta thấy được sự tự hào đến vô cùng của nhà thơ đối với dân tộc thân yêu của mình.

Đến cuối cùng, sau những lời khuyên bảo, răn dạy, ngợi ca, bằng giọng thơ trìu mến, thân thương, người cha dặn dò đứa con của mình trước lúc “lên đường”:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”

“Con ơi” – tiếng gọi ấy thật thân thương, thật ngọt ngào biết mấy. Hành trang mà người cha muốn trao tặng đứa con của mình trước khi “lên đường” là niềm tin, là lòng tự hào về dân tộc của mình, về nguồn cội, quê hương của mình. Tuy “người đồng mình” chúng ta chẳng đẹp đẽ về hình thức “thô sơ da thịt”, thế nhưng chúng ta sẽ luôn luôn ngẩng cao đầu, “không bao giờ nhỏ bé được”. Kết lại bài thơ, hai tiếng “nghe con” sao mà xúc động đến thế? Đó là niềm tin chắc nịch của người cha dành cho con, niềm tin của một người miền núi với quê hương, núi rừng của mình. Và đứa con lên đường với hành trang cha tặng in dấu sâu đậm trọng tâm trí, hi vọng rằng đứa con sẽ luôn vững vàng, tiếp nối truyền thống của cha ông, làm vẻ vang cho dân tộc mình.

Lời thơ của Y Phương không chỉ giản dị, mà còn vô cùng chân thành, lối nói chuyện của người dân miền núi thật mộc mạc, cùng với đó là giọng điệu tha thiết, ngọt ngào, lúc khuyên răn, dạy bảo, lúc dặn dò với lòng mong mỏi. Đoạn thơ là lời ca ngợi những đức tính của người dân tộc miền núi với những phẩm chất cao đẹp cùng lòng tự hào tự tôn dành cho quê hương. Đồng thời, nhà thơ cũng mượn lời người cha để răn dạy chúng ta về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cha ông và tinh thần vượt khó, biết chấp nhận gian khổ.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Bình giảng đoạn 2 bài Nói với con của Y Phương” chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

 

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 04/2024!