Updated at: 25-04-2023 - By: Thầy Vũ Xuân Anh

Admin Chăm Học Bài hôm nay sẽ hướng dẫn các bạn cách “Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương. ngữ văn lớp 9” chuẩn nhất 01/2025.

Dàn Ý Bình Giảng Bài Thơ Nói Với Con Của Y Phương (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Nói với con

2. Thân bài

a. Gia đình là điểm tựa của con:
– Những bước chân đầu đời, những tiếng bập bẹ của con, không chỉ với riêng con mà với ba mẹ đều rất thiêng liêng, nó đánh dấu cho sự lớn lên và phát triển của con
– Sử dụng điệp từ “bước tới” kết hợp với các danh từ “mẹ” ,” cha” và biện pháp liệt kê “chân trái”, chân phải” gợi ra khung cảnh gia ấm áp, hạnh phúc.

=> Cha mẹ vui mừng, hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của con.

b. Quê hương là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con:
– “Người đồng mình” đầy tài hoa và lạc quan với câu hát trong mỗi vách nhà
– Rừng mang cho đời hương hoa, con đường mang cả những tấm lòng của người dân quê hồn hậu.
– “Người đồng mình” có ý chí và nghị lực phi thường
– Họ sống “như sông”, “như suối”, tấm lòng bao la ấy đã giúp “người đồng mình” vượt qua tất thảy những ghềnh thác cheo leo.
– “Người đồng mình” biết trân quý văn hoá quê hương, ý thức trách nhiệm với quê hương.

c. Lời khuyên của cha dành cho con:
– Sống bản lĩnh theo gót những con người quê hương
– Trên đường đời đừng bao giờ nhỏ bé, hãy khẳng định mình trong cuộc sống

3. Kết bài

Cảm nghĩ về bài thơ

Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương. ngữ văn lớp 9- Mẫu 1

Y Phương, người con của dân tộc Tày là tác giả bài thơ Nói với con. Nhan đề bài thơ rất bình dị, lời thơ và chất thơ rất hồn nhiên.
Hai mươi tám câu thơ tự do, câu ngắn nhất chỉ có hai chữ, câu thơ dài nhất là mười chữ, phần nhiều là những câu thơ bốn chữ năm chữ; lại có câu thơ cất lên như một khẩu ngữ, nhưng rất gợi rất đậm đà vì thấm đẫm tình cha, vì cách biểu cảm chân tình, mộc mạc
Tràn ngập những vần thơ là tình thương con, là niềm tự hào đối với quê hương xứ sở. Các câu thơ:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Người đồng mình thương lắm con ơi
Người đồng mình thô sơ da thịt
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
đứng chốt ở bốn trọng điểm, như những luyến láy, những điệp cú, điệp khúc làm cho âm điệu, nhạc điệu thơ ngân vang, dào dạt.
Tôi đã sinh ra và lớn lên ở đôi bờ con sông Hương thơ mộng, thuở tấm bé đã được uống vào lòng những lời thiết tha, dịu ngọt: m‘bù con miếng”, “chị em miềng”, “anh em miềng”, của má tôi, của chị gái tôi, của bè bạn tôi. Rồi những năm dài chiến tranh trên những nẻo đường hành quân, tôi đã xúc động khi chợt nghe một tiếng ru buồn, dìu dịu cất lên tự một mái nhà gianh nơi xóm vắng xa lạ:  “Nàng về nuôi cái cùng con – Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” Và khi đọc thơ Y Phương, ba tiếng “người đồng mình” đã vương vấn tâm hồn tôi bao bâng khuâng man mác. Tôi bồi hồi nhớ về tuổi thơ, nhớ giọng nói dịu hiền của má tôi, nhớ về xứ Huế, và thật kì lạ, tôi bâng khuâng nghĩ về Cao Băng, nơi “gạo trắng nước trong”, nơi mà tôi chưa hề một lần đi tới. Thơ có hồn, có hay mới gợi nhớ gợi thương như thế. “Người đồng mình” đã kết tụ bao tình yêu thương, lự hào của Y Phương đối với “nước non Cao Bằng ”, nơi chôn nhau cắt rốn nặng tình nặng nghĩa của mình.
Hãy khẽ ngâm lên những vần thơ của anh:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Ta tưởng như đang được ngắm một bức tranh tứ bình có bốn hình ảnh: chân phải, chân trái, tiếng nói, tiếng cười của một em bé đang chập chững lập đi, đang hi bô tập nói. Lúc thì sà vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha. Điệp ngữ “bước tới” và động từ “chạm” dùng rất khéo, làm nổi bật cái hồn bức tranh về gia đình hạnh phúc: đôi vợ chồng trẻ với đứa con thơ đầu lòng.
“Người đồng mình yêu lắm con ơi”! – Sao không yêu? Phải yêu nhiều yêu lắm chứ!
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.
Nhà văn Nguyễn Tuân từng ca ngợi ông lái đò sông Đà có “bàn tay lái ru hoa”. Một nhà thơ nọ, trước vỏ đẹp yêu kiều của cô văn công đã thốt lên: “mười nụ hoa trắng ngần thơm ngát bàn tay em”. Chữ “hoa”, chữ “câu hát”, chữ “tấm lòng” trong thơ Y Phương cũng rất ý vị. Đan lờ đánh cá, dưới bàn tay người Tày, những nan nứa, nan trúc, nan tre đã trở thành “nan hoa”. Vách nhà không chỉ ken bằng gỗ mà được ken bằng “câu hát”. Rừng đâu chỉ cho nhiều gỗ quý, cho măng, cho lâm sản quý giá mà còn “cho hoa”. Con đường đâu chỉ để đi ngược về xuôi, lên non xuống biển mà còn “cho những tấm lòng” nhân hậu bao dung, đó là con đường tình nghĩa:

Gập ghềnh xuống biển lên non,
Con đường tình nghĩa ai còn nhớ chăng?
(Ca dao)
Với Y Phương, con đường mà anh nói với con là hình bóng thân thuộc của quê hương. Đường gần là con đường làng bản, đi vào thung vào rừng, đường ra sông ra suối. Là con đường đi học, con đường làm ăn. Đường xa, là đường đi tới mọi chân trời, đến mọi miền đất nước. Con đường tình nghĩa ấy được Y Phương nói lên một cách hàm súc, giản dị:
Con đường cho những tấm lòng Sung sướng ôm con thơ vào lòng, nhìn con khôn lớn, suy ngẫm về tình nghĩa làng bản quê nhà , nhà thơ nghĩ về cội nguồn hạnh phúc:
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời “Người đồng mình’’ không chỉ cần cù và khéo léo, tình nghĩa và tài hoa, yêu đời mà còn có bao phẩm chất tốt đẹp, đáng “thương lắm con ơi”. Trong bao gian khổ khó khăn thử thách, bao niềm vui nỗi buồn cuộc đời, trải dài theo năm tháng, bà con quê hương mình, “người đồng mình” đã rèn luyện, đã hun đúc chí khí, đã “cao đo nỗi buồn xa nuôi chí lớn”, nâng cao tâm thế đẹp. Câu thơ bốn chữ, đăng đối như tục ngữ, đúc kết một thái độ, một phương châm ứng xử cao quý. Các từ ngữ: “cao đo”, “xa nuôi” đã thể hiện một bản lĩnh sống đẹp của dân lộc Tày, của con người Việt Nam.
Nếu người Kinh dùng lôi nói: “ăn chắc mặc bền, chém to kho mặn, chân đất lưng trần, niêu cơm quả cà, mần răng nói rứa.”, để phản ánh bản chất giản dị, mộc mạc của người dân quê chân lấm tay bùn quanh năm, thì Y Phương cũng dùng cách nói cụ thể, hình ảnh cụ thể của bà con dân tộc Tày như: “thô sơ da thịt ”, “chẳng mấy ai nhỏ bé “, “tự đục đá kê cao quê hương” để khẳng định và ngợi ca tinh thần cần cù, chịu khó trong lao động, sống giản dị chất phác thật thà, không hề “nhỏ bé” tầm thường trước thiên hạ. Nếp sống tốt đẹp ấy đã tạo nên chất thơ trong sáng đáng yêu của Y Phương. Bản chất dân tộc, tinh thần nhân văn đã hoà quyện vào hồn thơ thi sĩ:
Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương tự làm phong tục.
Cha “nói với con” cũng là khuyên con học đạo lí làm người. Quê
hương sau những năm dài chiến tranh, chưa giàu chưa đẹp, nên con phải biết gắn bó với quê hương: “Không chê… không chê… không lo…”. Trước thử thách khó khăn, con không được sống tầm thường, sống hèn kém, sống “nhỏ bé Phải lao động sáng tạo để xây dựng, để “kê cao” quê hương:
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc…
Chuyển vào lời thơ là những ẩn dụ so sánh, những thành ngữ dân gian. Điệp ngữ “sống” ba lần vang lên đã khẳng định một tâm thế, một bản lĩnh, một dáng đứng, điều mà cha “vẫn muốn”, cha mong con, hi vọng ở con. Lời thơ giản dị, chắc nịch mà lay động, thâm thìa.
Lời cuối “nói với con” càng trở nên tha thiết. Cha nhắc con khi “lên đường” không bao giờ được sống tầm thường, sống “nhỏ bé” trước thiên hạ. Phải biết giữ lấy cốt cách giản dị, mộc mạc của “người lao động”. Hai tiếng “nghe con ” là cả một tấm lòng cha bao la:
Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con.
Một cảnh tượng cảm động đang diễn ra trước mắt chúng ta. Cha hiền từ âu yếm nhìn con, xoa đầu con. Đứa con cúi đầu lắng nghe cha nói, cha dặn. Y Phương đã tạo nên một không khí gia đình ấm áp tình cha con.
Y Phương là một người cha rất thương con. Anh là một người tình nghĩa chung thủy với quê hương. Thơ anh rất hồn hậu và đậm đà.
Y Phương là người đồng hương với Kim Đồng. Quê hương anh có hang Pắc Bó, nơi mà hơn 60 năm về trước, Bác Hồ đã sống và hoạt động giữa lòng dân để “nhóm lửa”

Bạn đọc yêu quý gần xa có nhớ, có biết bài dân ca:
Nàng về giã gạo ba giăng
Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm
Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo…
Theo tôi nghĩ, bài thơ “Nói với con” của Y Phương là một gáo nước Cao Bằng đấy, có thể làm trong, làm mát tâm hồn mỗi chúng ta. Hãy khẽ ngâm lên.

Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương. ngữ văn lớp 9- Mẫu 2

Quê hương là cầu trẻ nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa câu rụng trắng ngoài hè”

Ai cũng có cho riêng mình một quê hương đề nhớ về khi đi xa, để tự hào mỗi khi nhắc tới. Viết về mảnh đất chôn rau cắt rốn ấy, ai cũng dành cho quê hương những yêu thương và cảm xúc chân thành nhất. Em đã từng đọc rất nhiều bài thơ viết về quê hương nhưng hồn thơ khiến em xúc động nhất là nhà thơ Y Phương với thi phẩm “Nói với con”, bài thơ là sự đan xen hài hòa giữa tình cảm cha con và tình yêu quê hương đất nước..

Với lời thơ giản dị, hình ảnh đời thương, thể thơ tự do giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc, Y Phương đã gửi gắm tình cảm thiết tha, những lời tâm tình sâu sắc về nơi cội nguồn quê hương, nơi đã nuôi dưỡng bao tâm hồn, chắp cánh bao khát khao bay cao, bay xa.

” Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Quê hương là nơi có gia đình, có mái nhà ấm áp những yêu thương che chở. Dưới bàn tay nâng niu, bên những lời thủ thỉ ngọt ngào của ba mẹ, mỗi người từ đó mà lớn lên. Cha mẹ- những người sinh thành, nuôi dưỡng, luôn bảo ban ta, dạy cho ta từng câu nói, tập từng bước đi, đó có lẽ là điều đẹp đẽ và đáng trân trọng nhất mà tuổi thơ may mắn có được. Những bước chân đầu đời, những tiếng bập bẹ của con, không chỉ với riêng con mà với ba mẹ đều rất thiêng liêng, nó đánh dấu cho sự lớn lên và phát triển của con. Tác giả sử dụng điệp từ “bước tới” kết hợp với các danh từ “mẹ” ,”cha” và biện pháp liệt kê “chân trái”, chân phải”, cách sử dụng ngôn từ có ý đồ ấy đã gợi lên một hình ảnh rất đẹp, em bé đang chập chững bước về phía vòng tay mẹ cha trong niềm vui khó tả, cả mẹ cha đều chờ đợi con bước tới đích, nắm lấy con, nở núi cười khích lệ và tự hào trong mỗi bước con đi. Đằng sau “tiếng nói”, “nụ cười” ấy là niềm hạnh phúc lớn lao, dẫu sau con bước tiếp những chặng đường mới mà còn lựa chọn, cha mẹ vẫn luôn dõi theo ủng hộ và vui với những thành công của con. Chỉ với 4 câu thơ thôi mà tác giả đã thể hiện được tấm lòng lớn lao của mỗi bậc làm cha, làm mẹ trong cuộc đời.

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng

Nếu gia đình là nơi mẹ cha thì quê hương cho ta những “người đồng mình” đầy bình dị mà yêu thương. Những con người chung quê hương ấy luôn yêu thương nhau, họ cần mẫn lao động, họ hăng say làm việc. Đôi bàn tay tài hoa của “người đồng mình” không chỉ góp phần lao động tạo ra của cải mà còn góp phần gây dựng quê hương.

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Không chỉ tài hoa, “người đồng mình” còn là những con người yêu cuộc sống, họ luôn tự tạo niềm vui trong cuộc đời, trong công việc lao động của mình. Trong những câu hát nơi mỗi vách nhà chứa chan cả niềm tin yêu, sự lạc quan và cả những tâm hồn dạt dào yêu cuộc sống.

“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Rừng mang cho đời hương hoa, con đường mang cả những tấm lòng của người dân quê hồn hậu. Thiên nhiên trù phú, lòng người rộng mênh mang, còn điều gì tuyệt vời hơn như thế?

Viết về những người lao động quê hương, Tế Hanh từng tự hào trước những người dân chài dũng mãnh, vượt sóng vượt gió ra khơi:

” Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

Nhà thơ Huy Cận cũng từng xúc động trước cảnh những trải trang quê  hương ra khơi đánh cá trong sự lạc quan, giữa gian khó họ vẫn hát vang lời ca gọi cá:

” Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Đến với Y Phương, cũng không nằm ngoài cảm xúc tự hào, yêu quý những phẩm chất của con người quê hương, nhà thơ đã cất lên lời tha thiết:

“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

” Người đồng mình” có ý chí và nghị lực phi thường, những ” nỗi buồn”, “chí lớn” được đo bằng độ “cao” của núi; ” xa” của sông để cho thấy được bản lĩnh lớn của con người. Cuộc sống ngày ngày không tránh khỏi những lo toan, những ghềnh thác cheo leo nhưng “người đồng mình” vẫn không bao giờ nản chí, họ vẫn một lòng gắn bó với quê hương, hướng đến sự sống chốn hoang sơ, nghèo đói. Họ sống “như sông”, “như suối”, tấm lòng bao la ấy đã giúp “người đồng mình” vượt qua tất thảy những ghềnh thác cheo leo.

Và đâu chỉ yêu quê hương, gắn bó với quê hương, người đồng mình còn ý thức được trách nhiệm với quê hương mình.

” Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Cả quê hương và con người nơi đây đều luôn luôn gìn giữ những giá trị bền lâu và tốt đẹp của quê hương. Dựng xây quê hương ngày càng phát triển, phồn thịnh hơn.

Sau tất cả những lời tâm tình ấy của cha, điều mà cha gửi gắm nơi con, mong con yêu hiểu được đó là con hãy thật bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, hãy là ” người hùng” của chính cuộc đời mình.

” Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”

Lời khuyên của cha sao mà thiết tha đến thế, trong từng lời cha vẫn luôn hy vọng rằng con trên đường đời đừng bao giờ nhỏ bé, hãy khẳng định mình, làm chủ cuộc đời mình như chính phẩm chất của những” người đồng mình”.

Đọc bài thơ Nói với con, có lẽ mỗi người đều mang những cảm xúc riêng. Với em, em thấy mình thêm tự hào về quê hương Việt Nam, về con người Việt Nam mình. Em cũng ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với cuộc đối với cội nguồn, đối với quê hương mình khi đọc những lời thủ thỉ của người cha trong bài thơ.

Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương. ngữ văn lớp 9- Mẫu 3

Là người con của núi rừng và được sinh ra, lớn lên trong nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Tày, nhà thơ Y Phương đã đem đến trong những sáng tác của mình niềm tự hào và lòng biết ơn sâu nặng đối với quê hương cùng sự đề cao những giá trị văn hóa dân tộc. Điều này đã được thể hiện qua hàng loạt sáng tác của ông, tiêu biểu là bài thơ “Nói với con”. Qua bài thơ này, tác giả đã gửi gắm lời tâm sự thiết tha, tâm tình đầy ý nghĩa về cội nguồn sinh ra, lớn lên và nuôi dưỡng con người. Đồng thời thể hiện niềm tự hào về những phẩm chất cao quý của quê hương và để lại những lời khuyên mộc mạc, chân thành nhưng ẩn chứa những bài học triết lí sâu sắc.

Bài thơ “Nói với con” chứa đựng một thế giới ấm áp và chứa chan tình yêu thương của gia đình và quê hương. Trước hết, tác giả khẳng định cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con người chính là mái ấm gia đình:

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Thông qua việc sử dụng điệp từ “bước tới” lặp lại hai lần kết hợp với phép liệt kê “chân trái”, “chân phải”, “một bước”, “hai bước” trong sự hô ứng và tương xứng, tác giả đã tái hiện hình ảnh của một em bé đang ở tuổi tập nói, tập đi trong vòng tay nâng niu, đón chờ và đôi mắt ngập tràn niềm tin yêu và hi vọng của bố mẹ. Bằng giọng thơ tâm tình, nhẹ nhàng qua hình ảnh ẩn dụ “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” thể hiện sự mừng vui, đón nhận của cha mẹ theo từng tiếng bi bô, từng bước chập chững của người con, tác giả đã khái quát chân lí tồn tại trong mỗi một gia đình: tấm lòng cha mẹ luôn dõi theo và cũng chính là bến bờ hạnh phúc mà người con hướng đến.

Bên cạnh gia đình thì quê hương cũng là chiếc nôi tươi mát, ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi một con người:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Tác giả đã sử dụng cách gọi đầy thân thương, trìu mến “người đồng mình” để gọi những người cùng sinh sống trên một mảnh đất và chung nơi “chôn rau cắt rốn”. Hình ảnh những con người thân quen đó hiện lên qua đôi bàn tay lao động tài hoa, khéo léo “đan lờ cài nan hoa” và đời sống tâm hồn dạt dào tình cảm, tràn đầy niềm tin yêu lạc quan “Vách nhà ken câu hát”. Vai trò của quê hương còn được nhấn mạnh qua biện pháp nhân hóa “Rừng cho hoa”, vừa miêu tả chân thực về vẻ đẹp của những rừng hoa, vừa biểu tượng cho sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Những con chữ mang nặng tâm tình của nhà thơ Y Phương đã gợi nhắc đến rất nhiều câu thơ dạt dào cảm xúc về tình cảm quê hương:

“Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa đêm mưa
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài hè”

(“Quê hương” – Đỗ Trung Quân)

Hay như:

“Quê hương mang nặng nghĩa tình
Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời
Quê hương ta đó là nơi
Chôn rau cắt rốn người ơi nhớ về”

(“Quê hương” – Nguyễn Đình Huân)

Như vậy, khi viết về quê hương, cảm xúc chung và xuyên suốt luôn là nỗi niềm tự hào, biết ơn sâu nặng qua những ngôn từ thật hay, thật đẹp và nơi “chôn rau cắt rốn” đã trở thành mạch nguồn không bao giờ vơi cạn đối với tâm hồn của người nghệ sĩ. Đối với nhà thơ Y Phương cũng vậy, ông đã thể hiện sự tự hào cao độ đối với những phẩm chất của “người đồng mình”. Trong con người họ luôn ngời sáng những vẻ đẹp của ý chí và nghị lực vươn lên:

“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Tác giả đã đong đếm nỗi buồn và chí lớn – những khái niệm trừu tượng, vô hình bằng chiều cao và chiều xa – cách tư duy vô cùng quen thuộc của người miền núi. Mặc dù cuộc sống diễn ra hết sức khó khăn trên những tảng đá, thung lũng gập ghềnh nhưng cuộc sống của họ vẫn tràn ngập niềm tin và sự lạc quan. Sau hành trình dựng nhà, dựng cửa đầy gian nan, vất vả, “người đồng mình” vẫn giữ được lối sống bền bỉ như những dòng sông, như những con suối và gắn bó sâu nặng với quê hương bằng tất cả ý chí, niềm tin và nghị lực. Họ không chỉ gắn bó mà còn nỗ lực “tự đục đá kê cao quê hương” để nâng tầm nơi “chôn rau cắt rốn”, thể hiện rõ sự trân trọng và ý thức gìn giữ, xây dựng và bảo vệ cội nguồn. Tất cả đã được tác giả làm nổi bật thông qua hệ thống điệp từ kết hợp các biện pháp tu từ như so sánh ẩn chứa trong kiểu câu ngắn dài khác nhau. Chính những giá trị trân trọng, đề cao này đã làm tiền đề và trở thành cảm hứng cho những lời khuyên mộc mạc, chân thành mà người cha nhắn gửi cuối bài thơ:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”

Bốn câu thơ tuy ngắn gọn chất chứa bài học về ý chí, nghị lực và bản lĩnh sống. Người cha mong muốn đứa con phải luôn kiên cường, tự tin, mạnh mẽ bước đi trên đường đời, bản lĩnh đương đầu với những khó khăn, gập ghềnh để khẳng định giá trị sống và ý nghĩa tồn tại của bản thân “Không bao giờ nhỏ bé được”.

Bằng thể thơ tự do, các câu thơ có độ ngắn dài khác nhau kết hợp giọng thơ khi mạnh mẽ, khoáng đạt; khi lại chùng xuống, lắng sâu như những lời tâm tình thủ thỉ, bài thơ “Nói với con” đã nêu bật ý nghĩa của gia đình và quê hương – những chiếc nôi có vai trò quan trọng đối với con người. Đồng thời thể hiện rõ ngọn lửa của niềm tự hào, ý thức bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà tác giả muốn truyền đến và thắp sáng trong lòng độc giả.

Kết luận

Hy vọng với các giải đáp trên thì mong là quý độc giả đã biết được cách “Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương. ngữ văn lớp 9″chuẩn và chính xác nhất hiện nay. Các thông tin trên được admin cập nhật cũng như thu thập thông tin từ nhiều nguồn chuẩn xác, hy vọng các bạn sẽ thích và ủng hộ cho Chamhocbai.com.

Bài viết đã được cập nhật mới nhất vào 01/2025!